Thận là cơ quan tiết niệu rất quan trọng giúp lọc máu, cân bằng nội môi, điều hòa áp suất thẩm thấu và các chuyển hóa trong cơ thể. Suy thận mạn tính là một trong những bệnh mạn thường gặp nhất ở thận, bệnh sẽ rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Suy thận mạn tính được chia làm 5 giai đoạn với cấp độ khác nhau, từ cấp độ I, II, III, IV, V
5 cấp độ của bệnh suy thận mạn tính
Suy thận mạn là giảm mức lọc cầu thận dưới mức bình thường. Suy thận được gọi là mạn tính khi mức lọc cầu thận giảm thường xuyên, cố định, có liên quan đến sự giảm số lượng nephron chức năng.
Suy thận mạn là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa tiến triển mạn tính qua nhiều năm tháng, hậu quả của sự xơ hóa các nephron chức năng gây giảm sút từ từ mức lọc cầu thận dẫn đến tình trạng tăng nitơ phi protein máu như urê, creatinin máu, acid uric...
Các triệu chứng của bệnh suy thận mạn tính ở giai đoạn sớm thường không rõ rệt nên khó phát hiện. Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đi tiểu thường xuyên, da dễ bị bầm tím, tình trạng phù nề khó nhận biết.
Nhưng khi bệnh đến giai đoạn nặng, các triệu chứng quá rõ ràng, phù rõ rệt, huyết áp tăng cao, thiếu máu. Tiến hành xét nghiệm sẽ thấy lượng đường, hồng cầu, protein, bạch cầu trong nước tiểu cao, tức là người bệnh có thể đi tiểu ra máu.
Khi suy thận càng đến gần giai đoạn cuối thì những triệu chứng bệnh càng ngày càng tăng, hầu như các biện pháp can thiệp đều gặp khó khăn.
Chẩn đoán cấp độ, giai đoạn suy thận mạn tính
Để chẩn đoán chính xác bệnh suy thận mạn tính cũng như là giai đoạn hoặc cấp độ bệnh, các chuyên gia dựa vào 2 chỉ số đánh giá chính là chỉ số Creatinin và độ lọc cầu thận (GFR)
Chỉ số GFR đánh giá mức độ suy thận mạn
+Creatinin là chất cặn bã được đào thải duy nhất qua thận, được tổng hợp chủ yếu ở gan sau đó nó được phosphoryl hóa thành creatinphosphate và được vận chuyển theo máu đến dự trữ ở cơ và dùng trong quá trình co cơ.
+Dựa vào nồng độ của Creatinin ở trong máu hoặc hệ số thanh thải Creatinin chúng ta có thể đánh giá chính xác được chức năng lọc của thận.
+Nồng độ Creatinin trong máu bình thường là 70-130 μmol/l, nếu chỉ số này vượt quá 130 thì đó là dấu hiệu của suy giảm chức năng của thận.
+Hệ số thanh thải Creatinin của người bình thường là khoảng 120 ml/phút, nếu chỉ sổ này dưới 60 ml/phút thì người bệnh có thể bị suy thận.
Chỉ số GFR (độ lọc cầu thận)
+GFR là giá trị cho biết thận của chúng ta lọc chất thải ra khỏi máu như thế nào cũng như giúp xác định tổn thương thận hiện có. Chỉ số GFR cũng là phép đo chức năng thận tốt nhất, độ lọc cầu thận càng cao thì thận làm việc càng tốt.
+Độ lọc cầu thận GFR thông thường là khoảng 100 ml/phút.
+ Nếu GFR là 90 hoặc cao hơn thì vẫn có thể được coi là bình thường. Kể cả có GFR ở mức bình thường, bạn vẫn có nguy cơ bị suy thận nếu bạn bị tiểu đường, huyết áp cao, hoặc gia đình có tiền sử bị bệnh thận.
Suy thận mãn tính được chia làm 5 cấp độ. Nếu người bệnh không có biện pháp điều trị tích cực, thì thời gian chuyển cấp độ rất nhanh chóng. Đến giai đoạn cuối người bệnh phải tiến hành chạy thận nhân tạo, bởi thận sẽ không còn khả năng thực hiện vai trò của nó nữa.
Bệnh suy thận mạn phát hiện càng sớm càng dễ điều trị
Giai đoạn I:
Thận bị tổn thương, GFR khoảng 90 hoặc cao hơn một chút, hệ số thanh thải creatinin khoảng 41-60 ml/phút. Trong giai đoạn đầu, mục tiêu chữa trị là giảm tiến triển bệnh, và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Giai đoạn II:
Thận bị tổn thương nhẹ, GFR giảm (60 đến 89), hệ số thanh thải creatinin khoảng 20-40 ml/phút, nồng độ creatinin trong máu 130-300 μmol/l. Khi bước vào giai đoạn này, nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách thì người bệnh có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra, đáng lưu ý nhất đó là các bệnh về tim mạch.
Giai đoạn IIIA:
GRF giảm (30 đến 59) hệ số thanh thải creatinin khoảng 10-20 ml/phút, nồng độ creatinin trong máu 300-500 μmol/l. Khi suy thận đã tiến triển đến mức này, thiếu máu và các bệnh về xương có thể xuất hiện.
Giai đoạn IIIB:
GFR giảm nghiêm trọng (15 đến 29) hệ số thanh thải creatinin khoảng 5-10 ml/phút, nồng độ creatinin trong máu 500-800 μmol/l. Tiếp tục chữa trị các biến chứng do suy thận gây ra, bắt đầu phải tính đến các biện pháp chữa trị để thay thế cho thận bị hư tổn: chạy thận, lọc máu, ghép thận.
Giai đoạn IV:
Đây là giai đoạn cuối của bệnh suy thận mãn tính, mức lọc cầu thận đã hạ đến mức thấp nhất trong tất cả giai đoạn: GFR thấp hơn 15, hệ số thanh thải creatinin dưới 5 ml/phút, nồng độ creatinin trong máu lớn hơn 900 μmol/l. Người bệnh cần phải thực hiện các phương pháp hỗ trợ thay thế cho chức năng của thận như lọc máu, ghép thận, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.