Thận là 1 cơ quan trong hệ tiết niệu có rất nhiều vai trò quan trọng với cơ thể như lọc máu, đào thải các chất độc, điều hòa huyết áp, thể tích máu, pH, sản xuất các hormon…Khi chức năng thận bị suy giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh Suy Thận là gì?
Suy thận là tình trạng bệnh lý suy giảm chức năng thận bao gồm chức năng lọc máu, đào thải các chất độc hại qua đường tiểu và chức năng sản xuất 1 số hormon.
Suy thận được chia làm 2 loại chính là suy thận cấp và suy thận mạn :
+ Suy thận cấp là suy thận xảy ra trong thời gian ngắn, trước đó chưa từng xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng chữa khỏi được. Suy thận cấp có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Có một số trường hợp chuyển sang suy thận mãn tính.
+ Suy thận mạn tính là suy thận xảy ra trong thời gian dài trên 3 tháng, các tế bào thận bị teo không hồi phục được
Nguyên nhân của Suy Thận
Các bệnh lý về thận: viêm thận kẽ, viêm cầu thận, viêm bể thận, sỏi thận… nếu không điều trị kịp thời, dứt điểm sẽ dẫn đến suy thận.
Huyết áp cao: Những người bị cao huyết áp thì áp lực dòng máu cao, lưu lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan giảm, lâu dần gây ảnh hưởng đến chức năng thận.
Tiểu đường: Lượng đường trong máu tăng cao làm tổn thương đến hệ thống lọc của thận, chức năng lọc của thận bị suy giảm dễ dẫn đến suy thận.
Tác dụng phụ của 1 số loại thuốc gây tổn thương tế bào thận như: Thuốc kháng viêm không steroid, Thuốc kháng lao, Hóa chất điều trị ung thư, Kháng sinh nhóm aminoglycoside…và 1 số thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Người cao tuổi bị lão hóa, suy giảm chức năng thận.
Một số nguyên nhân khác do thói quen xấu trong cuộc sống hằng ngày: hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, chế độ ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều chất béo, ít vận động, stress…
Triệu chứng lâm sàng, biểu hiện của Suy Thận
Hội chứng phù: có thể phù toàn thân hay phù 1 số bộ phận như tay, chân, bụng…do giữ nước, giữ muối trong cơ thể.
Thiếu máu: da xanh, móng tay, móng chân, niêm mạc nhợt nhạt
Rối loạn tiểu tiện: tiểu nhiều, tiểu ra máu, tiểu đêm, tiểu bí tiểu rắt…
Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau đầu, giảm tập trung
Rối loạn tiêu hóa, đắng miệng chán ăn, buồn nôn, nôn
Một số triệu chứng khác như: xuất huyết, chảy máu chân răng, ngứa nổi ban đỏ, co cơ, chuột rút…
Triệu chứng cận lâm sàng của Suy Thận
Mức lọc cầu thận giảm <60ml/phút.
Nitơ máu phi protein (urê, creatinin, acid uric) tăng cao.
Hồng cầu, hecromatit, huyết sắc tố giảm.
pH máu giảm, Na+ K+ thường giảm, Ca++ giảm
Protein niệu, hồng cầu niệu, bạch cầu niệu
Phòng bệnh Suy Thận
Nếu người bệnh có bệnh tiểu đường cần điều trị tốt đường máu ở mức bình thường và thường xuyên kiểm tra định kỳ chất đạm trong nước tiểu
Điều trị tốt bệnh lý tăng huyết áp, tăng mỡ máu
Không hút thuốc lá. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng hút thuốc lá là một yếu tố gây ra tiểu đạm làm tổn thương thận.
Không uống nhiều rượu, bia.
Nên ăn các thức ăn có lợi như ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả. Một số loại thức ăn ít muối như thực phẩm tươi, trái cây, củ hành, tiêu, chanh, gừng..
Uống đủ nước, khoảng 2-3 lít một ngày tùy mức vận động, thời tiết
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
Không tự ý dùng thuốc bừa bãi khi không có chỉ định từ bác sỹ
Điều trị bệnh suy thận
Tùy vào giai đoạn cũng như mức độ suy thận mà có những phương pháp điều trị thích hợp :
Điều trị bảo tồn với suy thận các giai đoạn sớm: sử dụng các phương pháp điều trị sử dụng thuốc triệu chứng cao huyết áp, thiếu máu, nhiễm khuẩn, rối loạn điện giải, rối loạn tiểu tiện cùng với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Điều trị thay thế với suy thận giai đoạn muộn bao gồm lọc máu ngoài thận và thay thế thận:
+ Lọc máu ngoài thận dùng thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng chỉ định cho bệnh nhân suy thận cuối giai đoạn IIIb khi creatinin máu > 700mmol/l
+ Thay thế thận: khi thận đã không còn giữ được các chức năng nữa sẽ được thay thế bằng thận của người hiến tặng