Theo số liệu thống kê của tổ chức y học thế giới, trên thế giới có khoảng 500 triệu người đang gặp các bệnh lý thận mạn tính. Tiến triển của bệnh thận mãn tính sẽ dẫn đến suy thận, vậy suy thận mạn tính khi nào phải điều trị thay thế thận ?
Bệnh suy thận mạn tính bao gồm 5 cấp độ, giai đoạn chính: độ I, II, IIIA, IIIB, IV. Bệnh nhân càng ở giai đoạn cuối thì thận càng suy yếu và có thể mất hoàn toàn chức năng ở cả 2 thận. Khi đó bệnh nhân bắt buộc phải được điều trị bằng phương pháp thay thế thận để duy trì cuộc sống.
Thông thường bệnh nhân sẽ phải điều trị thay thế thận vào giai đoạn IIIB và giai đoạn IV. Các tiêu chuẩn để chỉ định điều trị thay thế thận cho người suy thận mạn là:
+Thể tích nước tiểu <50ml/12 giờ (vô niệu).
+Tăng nồng độ Kali máu >6,5mmol/l
+Toan máu nặng pH <7,1
+Ure tăng cao >30mmol/l
+Rối loạn Natri máu: >160mmol/l hoặc <115mmol/l
+Phù phổi
+Bệnh thần kinh-cơ, não, viêm màng ngoài tim do ure tăng cao.
Các phương pháp điều trị thay thế thận gồm: Chạy thận nhân tạo, lọc máu màng bụng, ghép thận:
Suy thận mạn tính khi nào phải điều trị thay thế thận
Đây là phương pháp lọc máu qua một màng lọc nhân tạo bằng cellulose hoặc celophan, cuprophan... theo các nguyên lý: khuyếch tán, thẩm thấu, siêu lọc và hấp phụ.
Để thực hiện chạy thận nhân tạo, bệnh nhân suy thận mạn tính cần có đường dẫn máu ra khỏi cơ thể tới khoang máu trong quả lọc, sau đó lại dẫn máu theo đường trở về tĩnh mạch trả lại cho cơ thể.
Người bệnh thường được lấy máu theo 1 trong các cách sau đây:
+Chọc kim vào tĩnh mạch đùi lấy máu ra và dẫn máu về qua kim chọc vào tĩnh mạch cánh tay.
+Tạo một đường nối giữa động mạch quay và tĩnh mạch vùng cổ tay bằng một ống teflon (phương pháp Scribner shunt), lấy máu ra từ đầu động mạch và dẫn máu về qua đầu tĩnh mạch.
+Tạo một lỗ thông động-tĩnh mạch tại động mạch và tĩnh mạch vùng cổ tay (arteriovenous fistula): mục đích là làm động mạch hoá tĩnh mạch để lấy đủ máu cung cấp cho quá trình lọc, phương pháp này an toàn hơn phương pháp Scribner.
Vì phải dẫn máu ra khỏi cơ thể nên cần dùng heparin để chống đông trước khi đưa vào quả lọc, nhưng khi máu ra khỏi quả lọc thì phải được trung hoà heparin bằng protamin sulphat trước khi đưa máu trở lại cơ thể.
Với những bệnh nhân lọc máu chu kỳ: mỗi tuần cần lọc 12giờ. Trước đây người ta chia làm 2 lần lọc mỗi lần lọc 6giờ, nhưng hiện nay người ta chia ra 3 lần, mỗi lần lọc 4 giờ sẽ có hiệu quả lọc cao hơn. Phương pháp lọc máu chỉ thay thế được cho chức năng điều hoà nội môi của thận, không thay thế được cho các chức năng nội tiết của thận, do đó vẫn phải kết hợp với phương pháp điều trị bảo tồn.
Suy thận mạn tính khi nào phải điều trị thay thế thận
Lọc màng bụng là sử dụng màng phúc mạc của cơ thể làm màng lọc ngăn cách khoang máu và khoang dịch: máu ở trong mạch máu của phúc mạc, dịch lọc ở trong khoang phúc mạc. Trao đổi giữa máu và dịch thực hiện qua lá phúc mạc là màng bán thấm theo các nguyên lý: khuyếch tán riêng phần và thẩm thấu. Urê, creatinin, kali và các sản phẩm trong máu khuyếch tán từ trong máu ra dịch lọc do chênh lệch áp lực riêng phần, nước từ trong máu di chuyển qua màng phúc mạc sang dịch lọc do chênh lệch áp lực thẩm thấu và được tháo ra ngoài.
Có 2 phương pháp lọc màng bụng là lọc cấp và lọc mạn.
+Lọc cấp: mỗi lần đưa vào khoang phúc mạc 2 lít dịch lọc, sau 2 giờ lấy ra và đưa vào 2 lít dịch mới. Cứ tiếp tục lọc như vậy cho đến khi kali máu và pH máu trở về giới hạn bình thường, urê và creatinin máu giảm.
+Lọc mạn: đặt catheter cố định vào khoang phúc mạc tới túi cùng Douglas, cho vào ổ bụng 2 lít dịch, lưu ở đó 4 giờ rồi tháo ra và đưa vào 2 lít dịch mới. Công việc này bệnh nhân tự làm ở nhà, tiến hành lọc hàng ngày, kéo dài nhiều năm.
Suy thận mạn tính khi nào phải điều trị thay thế thận
Ghép thận không phải là cắt bỏ thận bệnh rồi ghép một quả thận mới vào đúng vị trí cũ. Thực chất ghép thận là việc lấy một quả thận của người khỏe mạnh hoặc một quả thận còn tốt của người đã bị chết não để ghép vào bụng.
Vị trí thuận lợi nhất để đặt thận mới thường là vùng hố chậu bên phải (cũng có thể là bên trái). Động mạch và tĩnh mạch thận ghép sẽ được nối với động mạch và tĩnh mạch chậu cùng bên, niệu quản thận ghép sẽ được khâu nối vào bàng quang.
Người ta chỉ cắt bỏ 1 hoặc 2 thận bệnh lý trong một số trường hợp đặc biệt (thận đa nang quá to, thận bệnh bị viêm mãn tính nặng, hẹp động mạch thận nặng). Một người có thể được ghép thận được nhiều lần, nếu thận ghép bị hỏng.
Nguồn thận ghép có thể từ người sống ( cùng huyết thống hoặc không cùng huyết thống), từ những người mất não, chết lâm sàng. Thận được lấy từ người có cùng huyết thống với bệnh nhân suy thận mạn tính có tỷ lệ ghép thành công cao hơn nhiều so với thận không cùng huyết thống.
Sau khi ghép thận, bệnh nhân suy thận mạn cảm thấy dần khỏe mạnh như người bình thường, người bệnh có thể sinh hoạt, lao động gần như bình thường, ăn uống không phải kiêng nhiều thứ như trước.