Khi có thai, các bác sĩ quan sát thấy hai thận tăng thể tích, thận dài thêm khoảng 1cm và nặng thêm khoảng 4,5g. Các đài thận và bể thận giãn, đặc biệt ở thận phải. Niệu quản cũng giãn nhẹ do thai chèn ép. Thai phụ cũng có thể gặp hiện tượng trào ngược bàng quang – niệu quản. Điều này giải thích khi có thai sẽ dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu hơn. Khi thai nhi bị nhiễm khuẩn tiết niệu, thai phụ rất có nguy cơ bị viêm thận.
Khi có thai, cơ thể cũng gặp những thay đổi về huyết động toàn thân và huyết động tại thận. Ba tháng đầu khi có thai, huyết áp giảm do giảm sức cản mạch máu ngoại biên để tăng cung lượng tim, đảm bảo tưới máu tăng dần cho động mạch tử cung, cung cấp máu cho thai nhi phát triển bình thường. Thể tích huyết tương tăng từ 30-50%, trong khi đó dịch tổ chức kẽ tăng ít. Trong thay đổi huyết động tại thận, hiện tượng lọc cầu thận tăng và lưu lượng tưới máu thận cũng tăng từ 30-50% trong thời gian mang thai. Vì máu bị pha loãng nên nồng độ albumin, áp lực kéo và áp lực thẩm thấu huyết tương giảm. Ngoài ra, khi mang thai cũng có sự bất thường trong tổng hợp các chất có tác dụng co mạch hay các thụ thể có ở vỏ thận (renin, prostagladin…). Đây là nguyên nhân chính của thay đổi huyết động tại thận. Hậu quả của sự thay đổi huyết động ở thai phụ được thể hiện ở urê huyết giảm vì máu bị pha loãng và tăng thể tích ở các khoang, tổ chức kẽ (tăng cân, phù).
Song, bạn có thể hiểu một cách đơn giản nhất, rằng cơ thể bạn khi mang thai có những thay đổi rất lớn về cân nặng, về sự chèn ép của thai nhi… Các hormone thay đổi, mọi hoạt động của cơ thể đều chuyển sang một “nhịp điệu” gần như khác hoàn toàn. Tất cả những điều đó góp phần gây nguy cơ lên hai trái thận của bạn, khiến chúng dễ “có vấn đề” hơn. Các nghiên cứu đã cho thấy 2-3% phụ nữ mang thai bị viêm thận – tiết niệu, trong đó có 40-50% bị viêm bể thận – thận, một căn bệnh có nguy cơ lớn cho cả mẹ lẫn con. Nhưng nếu được chăm sóc điều trị kịp thời thì tỉ lệ trên chỉ còn 5-10%.
Nhiều người cứ để cho mình mang thai dù biết mình mắc bệnh. Nhiều người nói với bác sĩ một cách rất đơn giản rằng: “Tôi chết cũng được, miễn… có con!”. Tuy nhiên, đây không phải bài toán hễ bạn chết thì con sống! Đó là một thực tế mà bạn phải nhìn thẳng vào, dù rất khó khăn.
Khi mang thai lượng máu tuần hoàn tăng, lưu lượng máu qua thận và tỷ lệ lọc máu qua tiểu cầu thận tăng rõ rệt. Do đó, phụ nữ mang thai là gánh nặng khá lớn cho thận.
Nếu thai phụ từng bị bệnh viêm thận nhưng chữa trị chưa triệt để, còn bị huyết áp cao và có albumin trong nước tiểu thì khi mang thai do thận phải gánh quá nặng khiến bệnh thận càng trở nên nghiêm trọng, chức năng thận suy yếu.
Phụ nữ bị viêm thận mãn tính mà mang thai rất dễ bị nhiểm độc thai nghén, tăng nguy cơ cho thận, ảnh hưởng đến chức năng nhau thai khiến cho thai nhi bị thiếu oxy.
Nếu thai phụ bị viêm thận cấp tính (thấy nhiều ở thai phụ trẻ tuổi vào thời kỳ đầu thai kỳ) mặc dù bệnh hồi phục rất nhanh, tình trạng bệnh thường có thể sau 1 tuần là hết, nhưng còn có khả năng gây sảy thai tự nhiên và đẻ non. Nếu bệnh thận tiếp diễn qua 2 tuần trở lên, nên chấm dứt việc mang thai, bởi vì sẽ gây tác hại rất lớn cho thai nhi.
Phụ nữ từng bị bệnh viêm thận, đã chữa khỏi và hồi phục hoàn toàn như xét nghiệm lượng albumin trong nước tiểu không đáng kể, chức năng thận hồi phục bình thường, huyết áp bình thường, dưới sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ có thể mang thai bình thường.
Khi mang thai nên nằm nhiều, chú ý nghĩ ngơi, bổ sung đầy đủ vitamin và protein phong phú trong khẩu phần ăn, nên đi khám thai thường xuyên để bác sĩ phát hiện sớm có bị nhiễm độc thai nghén không và kịp thời có biện pháp xử lý.
Theo Tapchimeyeube.net