Suy thận là bệnh lý nguy hiểm ở nhóm người có chức năng thận kém, bệnh gây ra cái chết nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời. Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị suy thận là ai? Chúng ta cần phải nắm được rõ vấn đề này để có các biện pháp phòng tránh bệnh.
Người cao tuổi có tỷ lệ suy thận cao
Theo quy luật tất yếu của tự nhiên khi cơ thể già đi cũng là lúc các cơ quan bộ phận dần bị suy thoái, hệ miễn dịch và sức khỏe giảm sút tạo điều kiện cho nhiều căn bệnh bùng phát. Ở người cao tuổi các tế bào thận bị lão hóa, chức năng hoạt động của thận theo thời gian sẽ giảm dần không còn tốt được lúc trẻ. Đó là lí do mà bệnh suy thận ở người già chiếm tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với người trẻ tuổi.
Các chuyên gia thận tiết niệu đã chỉ ra rằng kể từ sau 30 tuổi, mức độ lọc cầu thận sẽ giảm dần khoảng 1ml/phút/ năm, đặc biệt mức độ giảm này sẽ tăng lên khi có bệnh kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận…
Ở người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh lý cao huyết áp, đái tháo đường, viêm cầu thận, xơ cứng động mạch… Đây là những bệnh lý có thể gây tổn thương cho thận dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng thận.
Các bệnh lý về thận, đường tiết niệu dễ gây suy thận
Các bệnh lý ở thận như viêm cầu thận, viêm thận kẽ, viêm bể thận, sỏi thận…gây tổn thương các tế bào ở thận làm giảm sút chức năng lọc máu của thận. Các bệnh lý này nếu không được điều trị dứt điểm, triệt để thì sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng suy thận.
Bên cạnh đó các bệnh gặp phải ở đường tiết niệu như viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang có thể dẫn tới suy thận do các vi khuẩn từ đường tiết niệu và bàng quang có thể xâm nhập vào thận, gây nhiễm trùng thận tổn thương thận.
Chính vì vậy những bệnh nhân đang mắc phải các bệnh lý ở thận hay đường tiết niệu cần tuân thủ các liệu pháp điều trị đễ chữa dứt điểm bệnh tránh để lâu dẫn đến biến chứng suy thận.
Bệnh lý mạch máu có thể dẫn tới suy thận
Các bệnh mạch máu bao gồm cả mạch máu lớn và mạch máu nhỏ sẽ làm ứ trệ tuần hoàn, giảm thể tích tuần hoàn, giảm lưu lượng máu đến thận có thể dẫn đến suy thận cấp. Ngoài ra bệnh xơ vữa động mạch thận làm thận thiếu máu nuôi dưỡng dẫn tới hoại tự nhu mô thận gây suy giảm các chức năng một cách nhanh chóng.
Người cao huyết áp dễ bị suy thận
Tình trạng THA cao và kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp tăng cao còn phá hủy bộ lọc ở cầu thận, dẫn đến hậu quả là thận không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài. Nước ứ thừa ở trong hệ mạch máu ngày một nhiều làm huyết áp lại càng tăng cao hơn. Do đó, THA là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận mạn.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm chức năng thận, vì vậy bệnh nhân cao huyết áp cần phải cẩn trọng trong việc phòng ngừa bệnh suy thận.
Người bị tiểu đường có nguy cơ biến chứng suy thận
Tiểu đường là căn bệnh nạn y với rất nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe doạ tính mạng người bệnh. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất mà tiểu đường gây ra là suy thận. Số người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng thì tỷ lệ người tiểu đường có biến chứng về thận, suy thận càng cao.
Ở bệnh tiểu đường, đường huyết tăng cao kéo dài khiến các mao mạch ở thận bị tổn thương, lớp lót trong cùng của mạch máu trở nên dày lên và dần bị biến dạng, làm cản trở khả năng lọc máu. Quá trình tổn thương thận xảy ra từ từ trong nhiều năm. Đối với tiểu đường typ 1 có thể bị biến chứng thận sau 5 năm mắc bệnh. Với ĐTĐ typ 2 do bệnh thường không được phát hiện sớm, nên nhiều trường hợp phát hiện ra bệnh tiểu đường cùng lúc với biến chứng thận.