Sỏi thận là một trong những bệnh thận phổ biến nhất, có thể mắc phải ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ở bài viết này chúng tôi sẽ giúp độc giả tìm hiểu về bệnh sỏi thận và các nguyên nhân hình thành sỏi trong cơ thể.
Bệnh sỏi thận và nguyên nhân hình thành sỏi
Sỏi thận là tình trạng bệnh xảy ra ở thận có sự kết tụ hình thành những khối tinh thể rắn (sỏi) từ các chất cặn bã trong nước tiểu. Kích thước của sỏi thận có thể dao động từ vài milimet cho đến hàng centimet có thể gây tắc đường niệu.
Ban đầu nếu sỏi thận có kích thước nhỏ thì người bệnh hầu như không có triệu chứng gì. Khi sỏi lớn dần và phát triển sẽ gây ra rất nhiều các cơn đau quặn ở thắt lưng. Ngoài ra người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: đổ mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, sốt, tiểu bí, tiểu ra máu…
Sỏi thận hoặc sỏi tiết niệu có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, thông thường ở người bệnh không chỉ 1 nguyên nhân gây ra mà do nhiều nguyên nhân cùng phối hợp để tạo sỏi. Các nguyên nhân hình thành sỏi thận phổ biến nhất:
+Sự lắng đọng của các chất khoáng tại thận do chế độ ăn nhiều chất dư thừa, uống không đủ nước khiến cho các chất cặn không đào thải ra được.
+Do nhiễm trùng tại thận, đường tiết niệu hay bộ phận sinh dục, do không vệ sinh thường xuyên, làm cho vi trùng có cơ hội xâm nhập gây tình trạng viêm đường tiết niệu, lâu dần tạo ra mũ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể hình thành nên sỏi thận.
+Do các trường hợp u xơ phì đại tiền liệt tuyến hay u xơ bàng quang làm nước tiểu bị ứ đọng tại các khe kẽ.
Ngoài ra một số người bẩm sinh bị dị dạng đường niệu khiến cho nước tiểu không thể thoát ra được, mà tích trữ đọng lại, lâu dần tạo thành sỏi thận.
Sỏi thận và nguyên nhân hình thành sỏi
Tùy từng loại sỏi mà có các cơ chế hình thành khác nhau:
Sỏi canxi (chiếm khoảng 90%) thường là do nước tiểu quá bão hòa muối calci hay do thiếu hụt, giảm citrat niệu (itrat có tác dụng ức chế kết tinh các muối calci). Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ K+ máu, citrat niệu thường giảm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo sỏi.
Sỏi acid uric do tăng acid uric máu (bệnh Gút) gây ra tình trạng nước tiểu quá bão hòa acid uric và tạo sỏi. Trong điều kiện nước tiểu có pH thấp thì acid uric càng dễ kết tinh.
Sỏi struvit: nguồn gốc từ việc bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, các vi khuẩn tiết ra men urease làm phân hủy urê, tạo thành amoniac (NH4OH). Amoniac bị phân hủy tạo thành amonium NH4+ và OH- gây kiềm hóa nước tiểu. Struvit (MgNH4PO4.6H2O) được tạo thành và trong điều kiện nước tiểu kiềm hóa thì khó hòa tan và tạo sỏi.
Sỏi oxalat: có thể do di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể thường gây loạn dưỡng oxalat. Tăng oxalat niệu tạo điều kiện tạo sỏi oxalat calci ngậm 1 phân tử nước. Sỏi oxalat phối hợp hằng định với lắng đọng calci.
Sỏi cystin: do rối loạn vận chuyển cystin ở ống thận và ở niêm mạc ruột, nguyên nhân do di truyền gen lặn nằm trên nhánh ngắn của nhiễm sắc thể thứ 14. Sỏi cystin thường đi với một bệnh cảnh bệnh lý ống thận di truyền (đa niệu, hạ K+ máu).